Căn nhà nằm ở quận 2, có diện tích 90 m2, với ba thế hệ sinh sống. Công trình có không gian phía trước thoáng đãng nhưng nhược điểm là mặt tiền chỉ rộng 4,5 m.
Với diện tích đất như này, hầu hết các gia chủ sẽ xây hết diện tích để tối đa không gian sử dụng nhưng công trình sẽ trở thành nhà ống điển hình: dài, hẹp và thiếu sáng.
Các kiến trúc sư đã bàn với gia chủ, lựa chọn giải pháp các tầng giật cấp. Tầng trệt xây hết diện tích, tầng một và hai giật lùi vào trong khiến khu vực hứng nắng ngày càng rộng, dẫn ánh sáng vào sâu bên trong cho không gian các tầng phía dưới. Giải pháp này còn giúp các phòng phía trước mở rộng góc nhìn, căn nhà trở nên thanh thoát, không bị ngộp.
Tầng trên cùng giật lùi tạo ra khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát, làm nơi giải trí, nghỉ ngơi cho tầng phía dưới.
Để người phụ nữ cao tuổi nhất trong nhà thuận tiện sinh hoạt, không phải leo trèo cầu thang, kiến trúc sư đã bố trí phòng ngủ của bà ngay tầng trệt.
Khu vực thờ cúng cũng không đưa lên vị trí cao nhất trong nhà mà bố trí sát phòng ngủ của bà, vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và ấm cúng.
Biết bà thường thư giãn và sinh hoạt ở không gian bếp, kiến trúc sư ưu tiên vị trí khu vực này ở trung tâm ngôi nhà.
Nhưng chỉ riêng giải pháp ban công giật cấp là chưa đủ. Để trong lòng nhà sáng hơn, một giếng trời lớn thông suốt cả ba tầng, đưa ánh sáng xuống tận mặt bếp để khu vực này luôn khô ráo.
Giếng trời này cũng giúp các tầng phía trên được kết nối với nhau, nhờ đó các thành viên trong gia đình có thể nhìn thấy, giao tiếp dễ dàng.
Vì cậu con trai nhỏ thích leo trèo nên cầu thang được làm một vế để giải phóng không gian và tầm nhìn. Hành lang dài mở ra ô giếng trời trở thành chỗ vui chơi, chạy nhảy.
Lam gỗ được lắp ở phòng ngủ tầng 1, vừa đảm bảo thoáng mát cũng như sự riêng tư.